Được thành lập theo Quyết định số 1902/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án xây dựng mô hình điểm tổ chức, huấn luyện, hoạt động và những biện pháp quản lý lực lượng dân quân tự vệ (DQTV)” (gọi tắt là Đề án 1902), chính thức ra mắt và đi vào hoạt động ngày 27/6/2011, sau hơn 7 năm hoạt động, Trung đội Dân quân biển xã Tiên Lãng đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Nhưng để phát huy hiệu quả mô hình này, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trong tình hình hiện nay thì cần lắm sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự chung tay từ nhiều phía.
Những nỗ lực đáng ghi nhận
Triển khai thực hiện Đề án 1902 của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo huyện Tiên Yên xây dựng điểm mô hình dân quân biển xã Tiên Lãng. Sau một thời gian tích cực làm tốt mọi công tác chuẩn bị, ngày 24/3/2011, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh đã ký Quyết định số 526/QQĐ-BCH về việc thành lập Trung đội Dân quân biển xã Tiên Lãng.
Luyện tập bắn biển của Trung đội Dân quân biển xã Tiên Lãng
Là một xã ven biển, Tiên Lãng thuộc vùng trũng thấp, có diện tích hơn 4.164 ha, với 7km bờ biển, địa hình có độ dốc cao về hướng Bắc, thấp dần về hướng Đông Nam, bị chia cắt bởi sông Tiên Yên và sông Phố cũ, có cảng biển Mũi Chùa, có đường quốc lộ 18A và 4B chạy qua. Xã có 8 thôn, với 6.532 nhân khẩu/1.809 hộ, có 5 dân tộc thiểu số (Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chỉ, Mường) chiếm 16,5% dân số. Toàn xã có 3 cơ sở nuôi bè hàu, 10 hộ nuôi 54 ô cá lồng bè, 02 nhà bè dịch vụ ăn uống, 194 phương tiện tàu thuyền các loại, chủ yếu là công suất nhỏ, chỉ có 20% phương tiện công suất lớn hơn thường đánh bắt dài ngày tại khu vực Cô Tô, Bạch Long Vĩ. Số lượng lao động trên mỗi tàu thường từ 2-3 người, cơ bản là đánh bắt gần bờ (khu vực Tiên Yên – Vân Đồn), thời gian đi biển ngắn (thường đi về trong ngày). Trên cơ sở đó, theo quyết định thành lập, Trung đội Dân quân biển xã Tiên Lãng biên chế thành 03 tiểu đội, với 28 chiến sĩ trong độ tuổi từ 18-35 ở 3 thôn (Thác Bưởi 1, Cái Mắt và Thủy Cơ), với 18 tàu thuyền có lực lượng dân quân biển.
Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, Trung đội Dân quân biển xã Tiên Lãng đã thường xuyên kiện toàn biên chế tổ chức, tiến hành huấn luyện đều đặn hằng năm theo phương châm “cơ bản, thiết thực, chất lượng”. Đồng chí Hoàng Văn Hưng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Tiên Lãng, chia sẻ: Trong huấn luyện, chúng tôi đặc biệt chú trọng bài bắn biển. Đây là nội dung khó vì chịu sự tác động bất lợi của sóng gió. Từ nhiều năm qua, được Ban CHQS huyện Tiên Yên giúp đỡ về giáo án bài giảng, trực tiếp hướng dẫn các yếu lĩnh, động tác bắn, nhất là bài khử sóng và hỗ trợ cả việc bảo đảm cơ sở vật chất như: hệ thống bia bắn, hiệu chỉnh súng… nên kết quả bắn biển của đơn vị luôn đạt yêu cầu đề ra.
Đồng chí Trương Văn Hưng, Trung đội trưởng Trung đội Dân quân biển, chia sẻ: Hằng năm, Trung đội huấn luyện tập trung nhiều nội dung, từ nhận thức chính trị, pháp luật đến bắn súng trên biển, bơi vũ trang, kỹ thuật băng bó cấp cứu chuyển thương; cách quan sát phát hiện, nhận dạng, xác định vị trí tàu lạ; các cách phối kết hợp với các lực lượng trên biển trong chiến đấu trị an, bảo vệ môi trường, cứu hộ, cứu nạn… Những nội dung đó không chỉ giúp ích cho công tác quân sự mà nó còn hỗ trợ hiệu quả trong khai thác, đánh bắt hải sản, bảo đảm cuộc sống. Và cũng nhờ tiến hành tốt công tác huấn luyện mà trong nhiều năm qua Trung đội Dân quân biển xã Tiên Lãng luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt trong giữ chủ quyền, an ninh trên biển. Hằng năm, Trung đội phối hợp với lực lượng công an, biên phòng, kiểm lâm tổ chức từ 5-9 đợt tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự trên biển. Phối hợp cùng các lực lượng tổ chức 9 đợt tuần tra, xua đuổi 7 tàu lạ, tạm giữ 02 tàu thuyền dùng kích điện đánh bắt hải sản giao cho công an xử lý; phối hợp với công an huyện tổ chức 5 đợt tuần tra, xua đuổi và bắt giữ 01 vụ (2 đối tượng) dùng kích điện đánh bắt hải sản trái phép; 01 vụ (5 đối tượng) khai thác cát trái phép; tham gia bắt 01 vụ đánh bạc ăn tiền tại nhà bè thôn Thủy Cơ; 02 lần tham gia chữa cháy rừng tại thôn Thủy Cơ và thôn Xóm Nương, tham gia 01 vụ chữa cháy nhà máy giấy ở thôn Thác Bưởi; huy động 07 cán bộ, chiến sĩ cùng ngư lưới cụ tham gia tìm kiếm cứu nạn 03 nữ sinh trường đại học Ngoại thương tham gia hoạt động tình nguyện bị đuối nước tại cầu Póc Hoóc (huyện Bình Liêu); huy động 01 tàu và 05 đồng chí dân quân biển tham gia tìm kiếm nạn nhân thôn Đồng Mạ bị lốc cuốn trôi…
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Vũ Văn Khởn, Chính trị viên Ban CHQS huyện Tiên Yên cho biết: Được sự quan tâm của các cấp nên Trung đội Dân quân biển xã Tiên Lãng được thành lập và đi vào hoạt động khá bài bản, hiệu quả. Ban CHQS huyện luôn theo dõi sát sao, chỉ đạo kịp thời, giúp đỡ tận tình, nhiều nội dung phải đồng hành cùng Trung đội Dân quân biển xã Tiên Lãng để triển khai các hoạt động từ việc quán triệt các văn bản chỉ đạo, tiến hành rà soát, khảo sát, xây dựng kế hoạch, tổ chức ra mắt, đến công tác chuẩn bị huấn luyện, cả trong quá trình huấn luyện hằng năm và một số hoạt động khác. Nhờ đó mà tổ chức, hoạt động của Trung đội Dân quân biển xã Tiên Lãng luôn được duy trì đều đặn, thực hiện đúng, đủ nội dung chương trình, đạt hiệu quả thiết thực. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ nhiều điểm tồn tại, hạn chế đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành để Trung đội Dân quân biển xã Tiên Lãng hoạt động tốt hơn góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình hiện nay.
Cần lắm sự chung tay
Nói về những khó khăn tồn tại, Trung tá Nguyễn Công Thức, Trợ lý Dân quân Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Quảng Ninh cũng như một số tỉnh trong vùng biển vịnh Bắc bộ có “không gian biển” hẹp, ngư trường hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản lại càng hẹp hơn khi Quảng Ninh sở hữu vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long là những di sản thiên nhiên cần được bảo tồn phục vụ chính cho phát triển du lịch, do vậy xây dựng mô hình trung đội dân quân biển phải tính đến yếu tố này. Đặc điểm đó nó dẫn đến một thực tế là các phương tiện khai thác, đánh bắt hải sản chủ yếu có công suất nhỏ nên việc tiếp cận thụ hưởng từ chính sách khó khăn, ví như Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản quy định chủ yếu là hỗ trợ cho tàu thuyền có công suất lớn, đánh bắt xa bờ ”.
Khi nhận câu hỏi “mô hình trung đội dân quân biển như ở xã Tiên Lãng đã phù hợp chưa”? Trung tá Thức không trả lời thẳng vì mô hình này còn đang triển khai để tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, cung cấp những cứ liệu khoa học cho Bộ Quốc phòng phục vụ xây dựng đề tài khoa học “Đổi mới hoạt động của dân quân tự vệ biển trong tình hình mới”. Nhưng khi được hỏi về quan điểm cá nhân thì anh Thức bộc bạch: Tôi e rằng đưa ra câu trả lời ở thời điểm này là hơi sớm, nhưng rõ ràng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo đang đặt ra là bức thiết. Đây chính là mâu thuẫn lớn mà các cấp cần phải giải quyết, cơ sở đang chờ chính sách. Tuy vậy, mô hình Trung đội Dân quân biển xã Tiên Lãng vẫn phải duy trì hoạt động, dù chính sách có được ban hành ngay thì việc vận dụng cho phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn vẫn là điều quan trọng, và quyết tâm chính trị từ tỉnh đến xã đã cho thấy sự nhất quán rất cao. Chính vì vậy mô hình này nhận được sự quan tâm lớn từ các cấp, nhưng đặc thù hoạt động của mô hình này là đòi hỏi chi phí lớn, chủ các phương tiện là tư nhân, lao động tham gia dân quân biển không ổn định. Đó chính là bài toán cần được giải đáp”…
Chia sẻ với chúng tôi những khó khăn từ thực tiễn, ông Tô Văn Lý, chủ tàu QN 71-92 thuộc thôn Thủy Cơ, cho biết: Tàu của gia đình chỉ có 15CV, nên chỉ đánh bắt gần bờ và thời gian đi về trong ngày là chủ yếu. Nếu đầu tư tàu lớn thì buộc phải tìm đến các ngư trường lớn nằm ngoài vùng biển của xã, của huyện và bản thân gia đình chúng tôi cũng không có khả năng làm điều đó. Tàu thuyền đi biển nếu không may có khi lỗ “chỏng vó” vì chi phí cho nó là không hề nhỏ như xăng dầu, ngư cụ, duy tu bảo dưỡng máy, tiền công… Là tàu được biên chế vào lực lượng dân quân biển chúng tôi thấy cần thiết vì học được nhiều điều và lại phục vụ cho chính việc bảo vệ chủ quyền ngư trường, bảo vệ môi trường biển… Nhưng nếu đi phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, tuần tra ngoài chi phí được bù đắp về nhiên liệu, ngày công ra chúng tôi còn cần sự hỗ trợ cho vợ con. Còn việc quan sát tàu lạ, thông tin các hoạt động gây nguy hại cho biển thì chỉ cần có hệ thống thông tin tốt là chúng tôi có thể làm được…”.
Với một góc nhìn khác, đồng chí Ngô Văn Nhận, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 (Trung đội Dân quân biển xã Tiên Lãng), cho biết: Việc làm của anh em dân quân biển không ổn định, bài toán thu nhập đã tác động tới việc huy động, triệu tập lực lượng tham gia huấn luyện, tuần tra do một số anh em vắng mặt khỏi địa phương. Rất khó cho chúng tôi khi công cuộc mưu sinh của mỗi người, mỗi khác, sự ràng buộc cần được “sòng phẳng” bởi thù lao phù hợp. Thú thực họ đang đi làm thu nhập cao, ổn định, giờ xin nghỉ ngắt quãng để về tham gia huấn luyện, tuần tra hay các hoạt động khác là gây khó cho họ, vì “một bữa ăn đấy, bảy bữa ăn đâu”…
Chia sẻ của những người trong cuộc khiến chúng tôi phần nào hiểu được để có được mô hình trung đội dân quân biển hoạt động hiệu quả góp phần quan trọng vào xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển là không hề đơn giản. Từ mô hình đã thấy nhiều điều bất cập nếu nhân rộng ra thực tế thì không phải địa phương nào cũng có thể làm được. Để giải đáp được câu hỏi này theo chúng tôi cần lắm sự chung tay của các cấp, các ngành, của môi trường xã hội hóa và của toàn dân. Chỉ có như vậy thì thế trận quốc phòng, an ninh trên biển mới được xây dựng vững chắc khi có sự hiện diễn rõ nét của lực lượng dân quân biển.
Bình Minh
Theo báo quân khu 3