Nhiều hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, do vay số tiền quá lớn, lãi suất cao, không đủ khả năng trả nợ đã bị đối tượng đòi nợ thuê hăm dọa, khủng bố tinh thần, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí có trường hợp phải bỏ trốn, vượt biên trái phép...
Trước tình trạng đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc, lực lượng Công an tỉnh Đắc Lắc đã lập kế hoạch chuyên đề đấu tranh, trấn áp loại tội phạm này và chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng loạt nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi trên địa bàn đã bị triệt xóa, bóc gỡ.
Nhóm các đối tượng hoạt động tín dụng đen bị bắt giữ tại Công an TP Buôn Ma Thuột.
Mới nhất, chiều 27-12, Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc cho biết, vừa đấu tranh, xử lý một nhóm đối tượng từ nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc vào Đắc Lắc hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Nhóm đối tượng này gồm: Doãn Công Tùng (SN 1988), Dương Minh Đức (SN 1991) cùng quê Hà Nội; Đoàn Văn Nam (SN 1997), Trần Minh Thắng (SN 1999), Ngô Sỹ Nhật (SN 1998) đều cùng quê tỉnh Thanh Hóa và Trần Văn Phú (SN 1991), quê tỉnh Bắc Giang. Nhóm đối tượng này do Tùng cầm đầu vào TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc thuê nhà tại buôn Nao A, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột để cho hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan Công an đã xác định nhóm này cho vay hơn 100 người dân với tổng số tiền hơn 550 triệu đồng với mức 10 nghìn đồng/ngày/một triệu đồng. Ngoài việc cho vay lãi suất cao ở TP Buôn Ma Thuột, nhóm này còn mở rộng địa bàn cho vay ở một huyện như Buôn Đôn, Krông Pắc, Krông Búc, Krông Năng... của tỉnh Đắc Lắc. Hiện, Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ việc để xử lý các đối tượng trên theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh Đắc Lắc, cho biết: Thời gian gần đây, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và có xu hướng lan rộng. Hoạt động này không chỉ ở thành thị mà đã lan rộng đến địa bàn các xã, thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đặc biệt, càng giáp Tết Nguyên đán, hoạt động “tín dụng đen” càng diễn biến phức tạp.
Để đấu tranh ngăn chặn, triệt xóa loại tội phạm này, Công an tỉnh Đắc Lắc đã xây dựng và triển khai kế hoạch chuyên đề đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Ngoài việc phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cho nhân dân hiểu, nhận thức được bản chất của hoạt động “tín dụng đen” để cảnh giác, không tham gia, đồng thời tố giác với cơ quan chức năng để phục vụ công tác đấu tranh, xử lý...
Lực lượng Công an toàn tỉnh còn tăng cường nắm bắt tình hình, tập trung thu thập chứng cứ làm rõ các hành vi phạm tội có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” của các nhóm, đối tượng như cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản... nhằm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đến nay, lực lượng Công an toàn tỉnh đã triệt xóa, bóc gỡ 24 nhóm với 91 đối tượng, năm đối tượng hoạt động riêng lẻ, 21 cơ sở kinh doanh có liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.
Trước đó, ngày 11-12, sau khi nắm tình hình, lực lượng Công an huyện Krông Năng đã tiến hành kiểm tra hành chính ba cơ sở có biểu hiện liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” do đối tượng Phan Văn Thư, sinh năm 1972, trú tại thôn 4, xã Ea Sô, huyện Ea Kar làm chủ. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận từ tháng 8-2018, đối tượng Phạm Văn Thư cấu kết với Nguyễn Thành Chung 25 tuổi và Nguyễn Văn Dũng 47 tuổi, đều trú tại huyện An Dương, TP Hải Phòng cùng một số đối tượng khác góp vốn để hoạt động cho vay theo kiểu “tín dụng đen” trên địa bàn huyện Krông Năng.
Nhóm đối tượng này thuê nhà ở các xã Ea Tóh, Tam Giang và thị trấn Krông Năng làm địa điểm hoạt động, đồng thời thuê các đối tượng có hộ khẩu ở các tỉnh, thành phố phía bắc làm nhân viên vừa trông coi, vừa cho vay không cần thế chấp tài sản với lãi suất cho vay từ 15-20%/tháng. Khi lực lượng chức năng tiến hành khám xét ba địa điểm hoạt động của nhóm đối tượng này, phát hiện và thu giữ hàng trăm tờ rơi, chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu của các “con nợ” cùng nhiều dao kiếm, tài liệu liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Ngay sau đó, Công an huyện Krông Năng đã triệu tập các đối tượng liên quan về trụ sở để điều tra, làm rõ vụ việc. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, chỉ trong vòng ba đến bốn tháng, các đối tượng này đã cho gần 1.000 lượt người vay nặng lãi với số tiền gần 6,2 tỷ đồng, thu lãi hơn một tỷ đồng.
Một gia đình người DTTS ở xã Ea H’dinh, huyện Cư M’gar vay vốn “tín dụng đen” bị các đối tượng đòi nợ đe dọa, kể lại sự việc với phóng viên.
Trước đó, ngày 6-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Pắc, tỉnh Đắc Lắc đã khởi tố và bắt tạm giam đối tượng Đào Văn Tài, 22 tuổi, trú tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, là đối tượng môi giới “tín dụng đen” về hành vi đánh trọng thương một con nợ. Theo Công an huyện Krông Pắc, Tài là nhân viên của Công ty Đại Phát chuyên cho vay nặng lãi, có trụ sở tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, do Nguyễn Thành Quân, 24 tuổi, trú huyện Đông Anh, TP Hà Nội làm giám đốc.
Vào ngày 4-10, do cần tiền nên anh Phan Thanh Nhã, 34 tuổi, ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc cầm cố giấy chứng nhận đăng ký xe máy vay sáu triệu đồng với lãi suất 30 nghìn đồng/ngày. Đến ngày 2-11, anh Nhã mang cả tiền lãi và tiền gốc đế trả thì Quân và Tài không chịu nhận mà muốn anh Nhã mượn tiếp để thu tiền lãi dài ngày hơn. Anh Nhã không đồng ý thì bị Tài cầm ống điếu thuốc lào đánh vào phía sau đầu khiến anh Nhã bất tỉnh phải nhập viện cấp cứu với tỷ lệ thương tật 10%.
Ngay sau đó, Công an huyện Krông Pắc đã tiến hành khám xét nơi làm việc của Tài, phát hiện và thu giữ hàng trăm bộ hồ sơ của người vay, tờ rơi quảng cáo và nhiều tài liệu liên quan hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu thu thập được, cơ quan chức năng xác định, từ khi bắt đầu hoạt động vào tháng 4-2018 đến nay, Công ty Đại Phát đã cho vay hơn ba tỷ đồng, tiền lãi thu về hơn 700 triệu đồng. Vì vậy, ngoài bắt tạm giam đối tượng Đào Văn Tài, Công an huyện Krông Pắc cũng đang củng cố hồ sơ để xử lý Công ty Đại Phát về hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.
Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Đác Lắc cho biết, qua nắm tình hình của Công an tỉnh và các địa phương cho thấy, ngoài số nhóm, đối tượng trên địa bàn, còn có các đối tượng, băng, nhóm hình sự từ các tỉnh phía bắc như TP Hà Nội, TP Hải Phòng và các tỉnh Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa... vào địa bàn tỉnh hoạt động “tín dụng đen”. Phương thức hoạt động của các băng, nhóm này là tạo vỏ bọc bên ngoài dưới dạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho thuê xe tự lái, đại lý bán vé máy bay, công ty vệ sĩ, tư vấn tài chính, kinh doanh nhỏ lẻ...
Điều đáng lo ngại hiện nay, Công an tỉnh đã đã phát hiện 132 trường hợp người DTTS tại 9/15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh vay vốn “tín dụng đen” không có khả năng chi trả với số tiền hơn 70 tỷ đồng, gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự.
Mặc dù nhiều băng, nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi đã bị triệt xóa, bóc gỡ, nhưng tình hình hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, có xu hướng lan rộng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS... Vì vậy, để góp phần ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn, Công an tỉnh Đác Lắc khuyến cáo mọi người dân khi có nhu cầu vay vốn cần tìm hiểu kỹ thông tin về tổ chức, cá nhân cho vay, đồng thời nên tiếp cận tìm hiểu và lựa chọn các hình thức vay vốn an toàn, hợp pháp, trực tiếp qua hệ thống các ngân hàng. Tuyệt đối không vay tiền, tài sản khác của các nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” với các đặc điểm nhận diện như: Vay không cần thế chấp, vay với lãi suất cao theo hình thức trả lãi ngày, vay qua môi giới, trung gian...
Đối với các trường hợp người dân đã và đang tham gia hoạt động “tín dụng đen” cần tố giác với lực lượng Công an, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ việc thu thập, củng cố chứng cứ làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật...