Trong số 31 chiến sĩ dân quân ấy, có 3 nữ dân quân dáng người nhỏ nhắn, vẻ e thẹn, ít nói, nhưng rất tích cực thục luyện từng động tác. Gạt những giọt mồ hôi trên má, “chị cả” Lê Thị Ngọc Hà chia sẻ: “Năm đầu tham gia huấn luyện, 3 chị em gặp nhiều khó khăn, nhất là khi tập Điều lệnh Đội ngũ, bắn súng, nhưng được các anh ở ban CHQS xã, các nam dân quân chỉ bảo, giúp đỡ tận tình, nên ai cũng vững tin. Ba chị em sẽ phấn đấu huấn luyện giỏi để không phụ công các anh cũng như mong đợi của người thân trong gia đình”.
|
|
Các nữ dân quân xã Thuận Đức luyện tập Điều lệnh Đội ngũ. |
Chị Hà sinh năm 1985, hiện sinh sống ở thôn Thuận Hà và có hoàn cảnh khá đặc biệt. Sinh ra và lớn lên ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, học hết phổ thông, chị đi làm công nhân ở khu công nghiệp gần nhà. Thời gian đó, chị quen rồi đến cuối năm 2017 nên duyên vợ chồng với “ông xã” bây giờ. Chị nhỏ nhẹ trong chất giọng miền Nam: “Công việc ở thành phố khá ổn định nhưng chi phí cho cuộc sống đắt đỏ, đồng lương lại eo hẹp nên em bàn với chồng về quê ảnh mưu sinh. Dù có vất vả thì ở quê vẫn hơn, miễn là vợ chồng có nhau, đồng cam cộng khổ, chịu khó làm ăn chắc không đến nỗi nào”.
“Theo anh em thì về…”, ngày vợ chồng chị dắt díu nhau ngược ra quê, ai cũng ngỡ ngàng, bởi họ nghĩ, anh chị đang có công việc ổn định ở thành phố, thế mà chị lại chịu về vùng quê nghèo khó này để sinh sống. “Vậy anh chị làm gì để mưu sinh?”, tôi hỏi. Chị đáp, anh làm đủ nghề, từ thợ xây, mộc, chăn nuôi… còn chị thì buôn bán ở chợ. Chịu khó tích cóp, vay mượn, anh chị cũng sửa sang được mái nhà để ở. Nhưng chuyện chị bỏ cả sạp hàng đang “hái” ra tiền để tham gia dân quân cơ động của xã mới thực sự "gây sốc" cho cả gia đình, họ hàng. Chị nhớ lại: “Ban đầu cũng vì tò mò, rồi được các anh ở ban CHQS xã vận động tham gia, em về bàn với chồng là tham gia dân quân có nhiều cái lợi, lại góp phần đóng góp xây dựng quê hương, không ngờ ảnh không chỉ đồng ý mà còn rất tạo điều kiện để em tham gia”.
Còn nữ dân quân Hoàng Thị Hoa, sinh năm 1989, nhà ở thôn Thuận Phong, đã có chồng và con gái 3 tuổi, hoàn cảnh gia đình cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài thời gian đi nhà trẻ, con của Hoa gửi nhờ hai bên nội ngoại, còn chị thu xếp công việc đồng áng để tham gia đầy đủ các buổi huấn luyện. Anh Huỳnh Bá Lợi, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Thuận Đức, cho biết: “Hoa có tố chất quân sự. Ngay từ những buổi đầu huấn luyện, Hoa rất chăm chú nghe giảng, miệt mài luyện tập, thực hành các động tác bắn súng, điều lệnh nhanh nhẹn, chuẩn xác, lại tích cực phát biểu xây dựng bài giảng chính trị và hướng dẫn tận tình, giúp đỡ chị em luyện tập". Hoàng Thị Hoa chia sẻ: “Em thích nhất là các môn học liên quan đến súng AK. Ngày còn học THPT, mỗi lần hội thi, hội thao tháo lắp súng AK, em đều xếp nhất về thời gian và kỹ thuật tháo lắp. Được tham gia huấn luyện dân quân, em được phát huy sở trường của mình. Em sẽ cố gắng luyện tập thật tốt để giành “hoa bắn giỏi” trong đợt kiểm tra sắp tới”.
Cô "em út" Trần Thị Nhàn, sinh năm 2000, ở thôn Thuận Hà thì bẽn lẽn tâm sự: “Học hết THPT là em xin tham gia dân quân ngay. Gia đình em lo lắng, sợ con gái không chịu được vất vả, cường độ huấn luyện cao, nhưng em nghĩ, là đoàn viên thì phải nhiệt huyết, xông pha. Thật khó có thể kể hết những vất vả, nhưng em không bao giờ nuối tiếc với lựa chọn của mình”.
Giờ nghỉ giải lao, tiếng ca trong trẻo của “tam ca” Hà-Hoa-Nhàn như xua đi mệt mỏi cho các chiến sĩ dân quân: Ơi chị dân quân canh gác ven biển/ Ơi anh chiến sĩ canh gác bầu trời/ Mỗi ngày quê ta trưởng thành/ Hạt giống cách mạng đã nảy mầm, nảy mầm xanh tươi/ Quảng Bình quê ta ơi!… Ba chị em, tuy mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ai cũng chu toàn việc nhà, giỏi việc nước để tiếp bước truyền thống các mẹ, các chị trên quê hương Quảng Bình “hai giỏi”.
Bài và ảnh: MẠNH HÙNG
Theo báo qdnd.vn